Thông báo: Bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Trường cho nghiên cứu sinh Thân Thị Thuỳ Dương

14h00 Thứ 5 ngày 06/10/2022 tại Hội trường M (Tầng 4 nhà M), Trường Đại học Điện lực tổ chức bảo vệ luận án tiến sĩ cấp trường cho NCS Thân Thị Thuỳ Dương. Đề tài: Các yếu tố tác động tới ý định đầu tư điện mặt trời mái nhà ở Việt Nam - nghiên cứu điển hình tại các đô thị lớn.

- Ngành: Quản trị kinh doanh

-  Mã số: 9340101

- Nghiên cứu sinh: Thân Thị Thuỳ Dương

- Người hướng dẫn khoa học:

   + NHD1: PGS.TS. Bùi Quang Tuấn

   + NHD2: TS. Dương Trung Kiên

- Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Điện lực

Tóm tắt kết luận mới luận án tiến sĩ

1. Mô hình nghiên cứu được xây dựng dựa trên cơ sở tổng quan các nghiên cứu trong và ngoài nước để lựa chọn các yếu tố tác động tới ý định đầu tư của hộ gia đình trong lĩnh vực điện mặt trời mái nhà (nghiên cứu điển hình tại các đô thị lớn) phù hợp với bối cảnh Việt Nam hiện nay. Mô hình nghiên cứu các yếu tố tác động tới ý định đầu tư trong lĩnh vực điện mặt trời mái nhà ở Việt Nam gồm 8 biến độc lập: tính rủi ro, quan điểm bảo vệ môi trường, xu hướng tiêu dùng xã hội, nhóm tham khảo, chính sách của chính phủ, nhu cầu và động cơ sử dụng, đặc tính sản phẩm, tính kinh tế, và một nhóm biến nhân khẩu học như giới tính, tuổi, nghề nghiệp, trình độ học vấn, thu nhập.

2. Bằng việc phân tích định lượng theo mô hình SEM dựa trên dữ liệu sơ cấp thu thập được khảo sát từ các hộ gia đình đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà trên địa bàn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cho thấy tính rủi ro có tác động ngược chiều, các yếu tố khác đều có tác động cùng chiều tới quyết định đầu tư của hộ gia đình trong lĩnh vực điện mặt trời mái nhà. Kết quả phân tích hồi quy với mức ý nghĩa 5% cho thấy chỉ 8 yếu tố đều có ý nghĩa thống kê và có mức tác động khác nhau tới quyết định đầu tư của hộ gia đình trong lĩnh vực điện mặt trời mái nhà được sắp xếp theo thứ tự: NC> KT > DT > TK > TH > TN >RR > XH. Các giả thuyết đưa ra đều được chấp nhận.

3. Kết quả nghiên cứu định lượng giúp cho các nhà làm chính sách thấy rõ cần phải thay đổi những yếu tố nào với các mức độ ưu tiên khác nhau để có thể thúc đẩy đầu tư của hộ gia đình trong lĩnh vực điện mặt trời mái nhà. Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra sự khác biệt về quyết định đầu tư trong lĩnh vực điện mặt trời mái nhà giữa các nhóm chủ hộ. Có sự khác biệt về quyết định đầu tư vào hệ thống điện mặt trời mái nhà giữa nam và nữ chủ hộ, giữa các nhóm độ tuổi và giữa các nhóm thu nhập. Kết quả này giúp các nhà quản lý, các doanh nghiệp cung cấp, lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà có thể lựa chọn hướng tiếp cận phù hợp để đạt mục tiêu.

4. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng sự thiếu đồng bộ của hệ thống điện lưới và những bất cập trong chính sách trở thành rào cản đối với việc gia tăng đầu tư của hộ gia đình vào lĩnh vực điện mặt trời mái nhà dù có nhiều tiềm năng. Luận án đã xây dựng những luận cứ khoa học thông qua việc đề xuất và nghiên cứu các giải pháp thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực điện mặt trời mái nhà của các hộ gia đình ở Việt Nam. Đó là: Thúc đẩy nhu cầu đầu tư của các hộ gia đình; Nâng cao tính kinh tế của hệ thống điện mặt trời mái nhà; Tăng cường thông tin tham khảo cho các nhà đầu tư; Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các hộ gia đình về sản xuất điện năng; Hoàn thiện, đồng bộ chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà. Các giải pháp này nếu được cả Chính phủ và các doanh nghiệp quan tâm thực hiện thì việc phát triển điện mặt trời mái nhà ở Việt Nam sẽ rất khả quan.

Nội dung chi tiết luận án: TẠI ĐÂY

Trân trọng!

Phòng ĐTSĐH - Trường ĐHĐL

Bạn cần hỗ trợ?